Đôi với giới thượng lưu, các sản phẩm bespoke có sức hấp dẫn đến kỳ lạ. Chỉ những thương hiệu đỉnh cao, xa xỉ nhất mới có thể đáp ứng yêu cầu khác người, thậm chí điên rồ nhất của những người có tiền và đam mê cái đẹp "độc nhất vô nhị".
Trong thế giới hàng xa xỉ, nhắc đến bespoke là nhắc đến những món đồ độc nhất vô nhị với mức giá đắt đỏ. Ban đầu, khái niệm bespoke chỉ giới hạn trong lĩnh vực thời trang. Nhưng tính độc bản của những món đồ này đã tạo nên sự hấp dẫn, khao khát đối với giới thượng lưu. Bởi sự săn đón đó, khái niệm bespoke ngày càng được mở rộng ra nhiều lĩnh vực của ngành công nghiệp xa xỉ như chế tác đồng hồ, bút máy, hộp nhạc, ô tô, trang sức, điện thoại...
Mỗi món đồ bespoke đều là duy nhất, được chế tác thủ công hoàn toàn theo yêu cầu riêng của những vị khách mộ điệu. Sự độc đáo, tinh tế đó đã đặt ra một chuẩn mực mới cho bespoke: phải là những thứ khiến cho chủ nhân cảm thấy tự hào. Với những nhân vật tìm đến thú chơi bespoke, tiền không phải là vấn đề, điều họ quan tâm là thương hiệu này có đủ khả năng thực hiện những yêu cầu khác người, thậm chí điên rồ của họ hay không.
BESPOKE bắt nguồn từ đâu
Khái niệm bespoke có thể được coi là bắt nguồn từ Savile Row - tên một con phố may mặc cao cấp nổi tiếng nhất châu Âu. Ban đầu, nó có nghĩa đơn giản là "mỗi súc vải một khách hàng". Theo đó, khi mỗi khách hàng đặt may đo trang phục tại con phố Savile Row, người thợ may sẽ sử dụng một súc vải riêng biệt. Người thợ may bậc thầy sẽ thực hiện các phép đo và thực hiện toàn bộ sản phẩm thủ công theo yêu cầu chi tiết của khách hàng. Các công đoạn rất cầu kỳ và được thực hiện cẩn trọng, vì vậy, mỗi bộ vest được cắt may ở Savile Row chắc chắn là duy nhất trên thế giới. Từ đó, khái niệm bespoke dần được chuyển nghĩa thành "hàng thửa độc bản".
BESPOKE bắt đầu lan tỏa từ đâu?
Trong thế giới thời trang xa xỉ, Hermes là thương hiệu nổi tiếng và khiến mọi quý cô bị mê hoặc bởi những chiếc túi độc nhất và đẳng cấp nhất. Năm 1984, nữ diễn viên Jane Birkin đặt hãng Hermes làm riêng cho cô một chiếc túi. Sản phẩm sau khi ra đời được gọi là túi Birkin và trở thành biểu tượng danh giá nhất của ngành túi thời trang xa xỉ. Những chiếc túi xách Hermes Birkin ngày nay trở thành món đồ mà mọi quý cô thời thượng đều mơ ước bởi vẻ đẹp sang trọng và sự hiếm có của nó. Hermes Birkin được giới mộ điệu đánh giá là chiếc túi xách đắt đỏ nhất thế giới với các phiên bản da cá sấu bạch tạng, khóa kéo bằng vàng, nạm kim cương. Mức giá cho một chiếc túi có thể lên tới 432.000USD (khoảng 9,8 tỷ đồng).
Những chiếc xe Rolls-Royce cá nhân hóa luôn được nhắc đến như một đỉnh cao của ngành công nghiệp ô tô. Ngay từ những ngày đầu sáng lập, Rolls-Royce luôn sử dụng câu châm ngôn: "Hãy lấy những gì tốt nhất và làm cho nó tốt hơn. Nếu nó không tồn tại, hãy tạo ra nó".
Rolls-Royce luôn chuẩn bị sẵn hơn 44.000 lựa chọn cho các vị thượng đế. Khách hàng có thể mang đến một bông hoa, một thỏi son, một đôi găng tay hay một miếng da và yêu cầu màu sơn tương tự vật đó. Rolls-Royce vẫn “gật đầu” và nghiên cứu làm sao để tìm ra cách pha màu. Thậm chí, nếu chưa có trong danh mục, màu sơn đó sẽ được đặt theo một cái tên mà khách hàng muốn.
Bespoke đã được đón nhận nhiệt tình đặc biệt ở châu Á. Tiêu biểu là phiên bản Phantom “Year of the Dragon” dành cho năm con Rồng. Chiếc xe là sự kết hợp hoàn mỹ giữa các chi tiết được thiết kế tỉ mỉ, đường coach-line vẽ tay dọc thân xe hình rồng tinh tế để chào mừng một năm tốt lành theo như phong tục của các nền văn hóa châu Á.
Ở riêng thị trường Việt Nam. Rolls-Royce sẽ giao đến tay khách hàng 2 sản phẩm của chương trình cá nhân hoá bespoke. Cụ thể là Phantom Peace & Glory (Hoà bình & Vinh quang) và Phantom Đông A (còn có tên gọi khác là Phantom phiên bản Nhà Trần).
Phantom Peace & Glory (Hoà bình & Vinh quang) được thiết kế, chế tác và hoàn thiện trong tổng cộng 720 giờ đồng hồ. Các đặc chi tiết đặc biệt bao gồm màu sơn ngoại thất đỏ sẫm Medeira, hoạ tiết “Ông Hổ” trên các tựa ghế, hoa văn khảm dọc và bảng điều khiển trung tâm. Cuối cùng là đường coachline do chính ông Mark Court thực hiện, người duy nhất ở Rolls-Royce làm được công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ cao này.
Trong khi đó, Phantom Đông A lại thể hiện lòng tôn kính và biết ơn đến Triều đại và các Vua nhà Trần. Thể hiện qua đường coachline có hoạ tiết hoa sen, hoạ tiết hình rồng đại diện cho trí dũng của người chồng ở ghế phải và ghế trái là hình phượng hoàng đại diện cho sự chung thuỷ của người vợ.
Chiếc đồng hồ của một yếu nhân người Nga có tên là Vladimir đặt hãng Vacheron Constantin thực hiện. Đồng hồ gồm 891 chi tiết, 17 cơ chế phức tạp, mặt số bằng vàng trắng được chạm khắc hoạ tiết Guilloche. Vỏ đồng hồ bằng vàng hồng chạm nổi hình 12 Con Giáp của phương Đông. Được biết để hoàn thiện chiếc đồng hồ này cần tới 04 năm. Mẫu đồng hồ là bản nâng cấp của mẫu đồng hồ Tour de l’ile (có giá $1,6 triệu) được hãng đặc biệt giới thiệu nhân kỷ niệm 250 năm thành lập thương hiệu. Tour de l’ile từng là mẫu đồng hồ phức tạp nhất trên thế giới với 16 cơ chế nhưng vị yếu nhân người Nga nọ muốn đồng hồ của mình có cơ chế thứ 17.
Vậy như thế nào thì sẽ được gọi là một sản phẩm BESPOKE
Hãy bám vào ý nghĩa của từ BESOPKE: Là một sản phẩm được làm theo sở thích cá nhân.
Thứ nhất là đáp ứng được yêu cầu riêng của thượng đế, cho dù đó là một ý tưởng có vẻ “điên rồ” từ ý tưởng đó kết hợp với tài năng của người nghệ nhân sẽ chế tác ý tưởng đó trong một thời gian có thể sẽ mất đến cả một năm
Thứ hai đó là một sản phẩm độc bản, không giống ai và không ai giống
Thứ ba có những chất liệu quý và được chế tác một cách tinh xảo
Giờ đây BESPOKE không còn giới hạn ở những sản phẩm xa xỉ quen thuộc mà nó đã len lỏi vào đời sống riêng và suy nghĩ của từng khách hàng. Đó có thể là nội thất, điện thoại, bút, sổ.. điều đó đủ tạo nên một thị trường rộng lớn và một tầng lớp khách hàng có sức mạnh về tài chính, sự hiểu biết và hơn hết mong muốn thể hiện sự xa xỉ một cách kín đáo.